Monday, November 26, 2012

Tôi tạo ra cuộc đời tôi

Trước đây quả thực tôi không nhận ra điều này nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu sức mạnh của nó: nếu bạn muốn thực sự có một cuộc sống bình an trong tâm hồn và thành công trong cuộc sống, bạn phải chịu trách nhiệm 100% cho những gì bạn làm tức là cho những gì bạn nghĩ.

Có một sự thật là để sống đúng nghĩa thì cuộc sống của chúng ta không bao giờ được coi là dễ dàng và thuận lợi. Để được sống đúng nghĩa thì cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta đầy rẫy những điều không vui, rắc rối và những sai lầm (thất bại), hay nói cách khác phần lớn mọi việc xảy ra là không đúng ý mình.

Khi gặp điều đó, mọi người thường làm gì? Đó là đổ lỗi, biện minh và oán trách (phàn nàn). Lợi ích của những hành động này là gì? Đó là tạm thời xoa dịu được những nỗi đau và dễ nhận được sự cảm thông tạm thời của người khác, hay sự quan tâm của người khác.

Thứ nhất, khi bạn gặp phải thất bại nào đó trong công việc, cuộc sống, hôn nhân, quan hệ…điều đầu tiên chúng ta hay có xu hướng đổ lỗi cho một ai đó hay tìm một hoàn cảnh nào đó để đổ lỗi. Rất nhiều người khi gặp thất bại trong kinh doanh đều thường xuyên đổ lỗi cho đối tác, nhân viên, thị trường, tình hình kinh tế, thời tiết…Rất nhiều người khi gặp thất bại trong các mối quan hệ cũng thường xuyên đổ lỗi cho bất cứ ai tham gia vào các mối quan hệ đó trừ bản thân mình.

Thứ hai, khi không đạt được những gì mà mình mong muốn, chúng ta thường tìm bằng được lý do nào đó để biện minh cho hiện trạng của mình để mình được “thanh thản”. Ví dụ nếu bạn đang sống một cuộc sống nghèo khó, lý do sẽ là bạn không được sinh ra trong một gia đình giàu có, từ một miền quê giàu có (thành thị), không có bằng cấp, không có mối quan hệ, không có vốn…hoặc ngược lại chúng ta sẽ tìm ra đủ thứ lý do rằng “tiền chẳng quan trọng gì, người giàu không tốt, làm giàu thì phải trả giá…”

Thứ ba, khi bạn gặp phải những điều không như ý, chúng ta thường có xu hướng muốn nói ra một vài điều gì đó để được “nhẹ nhõm” và tìm kiếm sự chia sẻ. Hoặc là bạn oán trách hoặc là bạn phàn nàn về bất cứ điều gì, về bất cứ ai, trong đó tai hại nhất là phàn nàn về bản thân bạn. “Ôi, sao tôi khổ thế này!”, “Cuộc sống khó khăn quá, giá cả ngày càng lên cao”, “Nào là tham nhũng, bất công, chính sách không hợp lý”, trong một tổ chức chúng ta sẽ phàn nàn về Sếp, về người khác…

Tôi nhận thấy những điều này xảy ra nơi bản thân tôi, gia đình tôi, công ty của tôi và ở tất cả những nơi tôi đến và những người tôi gặp.

Khi viết ra những dòng này tôi nhận ra rằng mới đây thôi tôi vấn thường hay chỉ trích về Sếp của mình, phàn nàn về nhân viên và thậm chí tôi cũng thường xuyên nói xấu về người thứ ba không có mặt hoặc ghen tị về những thành công của người khác.

Khi viết những dòng này tôi cũng nhận ra rằng mới đây thôi, trong gia đình tôi thường to tiếng mắng mỏ vợ con và nều có cơ hội là đổ lỗi cho người khác trong gia đình mình.

Khi viết những dòng này tôi cũng nhận thấy ở bất cứ công ty nào tôi đã làm việc là một tình trạng thường xuyên đổ lỗi, biện minh và oán trách. Tình trạng đó diễn ra từ Sếp to nhất xuống đến nhân viên bình thường, từ phòng ban này sang phòng ban khác, từ người này sang người khác. Có rất nhiều người Sếp, khi tuyển được nhân viên giỏi, một ngày nào đó họ bỏ ra đi, lập tức lý do được đưa ra: nào là “không trung thành”, nào “lười biếng”, “kiêu căng, hỗn láo”…thế rồi họ lại tuyển người khác và câu chuyện này cứ tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là không bán được hàng, điều dễ thấy nhất đó là “bán hàng kém”, thế là nhân viên kinh doanh lập tức chĩa mũi dùi sang “sản xuất ra sản phẩm kém”, bộ phận sản xuất đưa ra “thiếu vốn”, bên tài chính chuyển qua “ban lãnh đạo không có định hướng” và cuối cùng cách dễ nhất là BLĐ đưa ra “các anh các chị kém và ngu dốt”, thay thế, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí. Họ làm tất cả mọi việc trừ việc chịu trách nhiệm của chính mình.

Tại sao việc tự chịu trách nhiệm quan trọng đến vậy? Bởi vì nếu bạn không tự chịu trách nhiệm 100% cho những gì xảy ra với cuộc đời bạn thì chính bạn sẽ tự đặt số phận của mình vào tay người khác hay hoàn cảnh. Mà nếu bạn đặt số phận của mình vào tay người khác hay ngoại cảnh bên ngoài thì bạn sẽ không thể học hỏi được, mà không học hỏi được và nhất là học hỏi từ chính những sai lầm, vấn đề của cuộc đời mình thì chúng ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc và thành công cả.
Trong hôn nhân và các mối quan hệ không suôn sẻ, điều đầu tiên chúng ta thường tìm mọi cách tìm ra lý do “thằng chồng tôi nó lười lắm, bất tài vô dụng”, “ôi! Vợ tôi nó lắm mồm lắm, không tâm lý lại còn tham lam nữa”, “Chị ơi! Sao đời em khổ thế này, em lấy phải thằng chồng kém em đủ mọi thứ”. Hoặc khi bạn bị đổ vỡ bởi một mối quan hệ nào đó thì lý do đưa ra rằng “nó ăn cháo đái bát, vô ơn, lừa đảo, không trung thực”…

Vậy tôi xin hỏi bạn: Ai chọn (quyết định) người vợ, người chồng, nhân viên, cơ chế đó nhỉ? Nếu không phải là bạn thì bố mẹ bạn, nhà nước, chính sách, thời tiết bắt bạn phải chọn cái đó chắc.

Một trong những sức mạnh lớn nhất của con người mà ông trời đã dành tặng cho chúng ta, đó là: chúng ta có quyền tự do lựa chọn bất cứ cái gì, bất cứ điều gì. Bạn có quyền tự do lựa chọn cách suy nghĩ, niềm tin, hành động, các mối quan hệ, công việc, nghề nghiệp và cả chính ước mơ của bạn nữa. Tất nhiên bạn không thể lựa chọn được việc sinh ra bản thân và nếu bạn bị thiểu năng trí tuệ.

Bạn chỉ có thể trưởng thành và phát triển nếu bạn chịu trách nhiệm 100% cho bất cứ điều gì liên quan đến cuộc đời mình. Cả khách quan lẫn chủ quan.

Một trong những điều mà tôi nhận ra rằng, phẩm chất cao quý nhất của con người là sự chính trực ngày càng trở nên quý hiếm như kim cương vậy. Rất nhiều nhà lãnh đạo, diễn giả, nhà văn, thày cô giáo, các bậc ông bà, cha mẹ…đều đang làm những điều không phải họ nghĩ và họ nói. Giữa suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta là một khoảng cách rất lớn thậm chí đầy mâu thuẫn và thiếu tính nhất quán.

Tôi đã có dịp gặp nhiều người giàu có, quyền cao chức trọng, tôi thực sự thất vọng về những gì họ làm và họ nói. Mới hôm qua thôi, họ còn nói với nhân viên nào là tầm nhìn, danh dự, nhiệt huyết. Nhân viên đang háo hức theo đuổi sự nghiệp thì chỉ một vài tháng sau, công ty giải tán. Họ sẵn sàng cho nghỉ việc những người tâm huyết và thẳng thắn, họ thích nghe những gì mà họ muốn nghe hơn là sự trung thực, thẳng thắn và chính trực.

Tôi cũng gặp hầu hết các diến giả mà tôi biết, khi đứng trên bục giảng nói với hàng trăm hàng ngàn người về niềm tin, về sự cao đẹp, hạnh phúc, về việc xây dựng các mối quan hệ, về “tự do tài chính” nhưng ngoài đời thường hoàn toàn ngược lại, họ không tin vào những gì họ nói, họ làm theo bản năng và quán tính của cuộc đời.

Tôi cũng có dịp gặp những nhà lãnh đạo mà ở đó những bài phát biểu trên báo, trên truyền hình chỉ là dạy dỗ, đánh bóng trái ngược với những gì họ đang làm đang nghĩ.

Một trong số những người như vậy, có tôi ở trong đó!
Trong tuần vừa rồi, tôi có đọc được một cuốn sách có tựa đề “đừng phàn nàn”. Và tôi xin giới thiệu với các bạn một phương pháp vô cùng thú vị và hiệu quả. Đó là làm thế nào để chữa trị căn bệnh “đổ lỗi, oán trách, biện minh”, nếu bạn không đổ lỗi, biện minh, phàn nàn liên tục trong 21 ngày thì bạn sẽ khỏi hẳn căn bệnh này.Bạn muốn thay đổi cuộc đời mình, thì bạn phải thay đổi những thói quen mà bạn đang làm, đang nghĩ. Cách làm rất đơn giản: bạn hãy mua một cái vòng tay, khi nào bạn đổ lỗi, biện minh, phàn nàn bạn phải đổi vòng tay đó từ tay này sang tay kia và coi như chu trình 21 ngày lại phải tính từ thời điểm đó. Tôi bắt đầu đeo nó từ lúc 12h ngày 07/04/2011 cho đến hôm nay tôi đã phải đổi tay đến hơn 20 lần.

Tôi sẽ quyết tâm thực hiện điều này cho đến khi nào tháo vòng ra khỏi tay thì thôi, bởi vì tôi biết sức mạnh của nó: tôi sẽ hiểu rõ về mình và điều quan trọng nhất là tôi chính là chủ nhân của mình, tôi tạo ra cuộc đời tôi chứ không phải ai khác.

Tôi tin rằng, chỉ một điều thôi, nếu chúng ta chọn cho mình một cách sống, không đổ lỗi, biện minh và oán trách, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều, xã hội, tổ chức, gia đình nơi chúng ta đang sống và làm việc sẽ tốt hơn nhiều, vậy thì tại sao chúng ta lại không làm nhỉ.


Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© Sổ ghi chú
Designed by BlogThietKe Cooperated with Duy Pham
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top