Saturday, November 17, 2012

Âm nhạc thời nguyên thuỷ

I. Nguồn gốc của âm nhạc

Về nguồn gốc của âm nhạc mới được các nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu từ cuối thế kỷ XVIII tới nay, qua các công trình nghiên cứu của mình. Có công trình chỉ nghiên cứu về âm nhạc, nhưng cũng có những công trình là nghiên cứu tổng hợp nhiều vấn đề, trong đó có phần đề cập đến âm nhạc.
Việc tìm ra nguồn gốc âm nhạc là không dễ dàng so với các loại hình nghệ thuật khác, bởi cách ghi nhạc mà chúng ta sử dụng ngày nay, tuy đã qua nhiều thay đổi để hoàn thiện, mới xuất hiện cách đây trên một nghìn năm. Do vậy, công việc tìm hiểu, nghiên cứu phải dựa vào kết quả của nhiều ngành khoa học khác nhau: cổ sử, dân tộc học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, lịch sử,... mà trước tiên là những di vật khảo cổ về điêu khắc, hội họa... Từ những chứng cứ ấy, cho ta biết hình dáng nhạc cụ; các cảnh sinh hoạt nhảy múa, đàn hát..., để từ đó phỏng đoán về sinh hoạt âm nhạc; sự diễn tấu và vai trò âm nhạc trong cộng đồng.

Lịch sử phát triển của cả xã hội loài người nói chung và âm nhạc nói riêng là không đồng đều nhau ở tất cả các dân tộc trên trái đất. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, ngoài những chứng cứ của các ngành khoa học; các làn điệu dân ca, những áng văn thơ còn lưu truyền; họ còn quan sát các tập tục sinh hoạt của nhiều tộc người ở các trình độ văn minh khác nhau trên trái đất, để giúp họ khẳng định nguồn gốc âm nhạc.

Ở các công trình của họ, không phải hoàn toàn giống nhau về quan điểm, tuy nhiên, những phát hiện ấy đã góp phần làm sáng tỏ dần nguồn gốc âm nhạc, để phác hoạ thành các giai đoạn lịch sử của quá trình phát triển âm nhạc.

Nghệ thuật âm nhạc xuất hiện từ thời kỳ sơ khai của con người, do con người sáng tạo. Đó là nghệ thuật dùng âm thanh, nẩy sinh trong quá trình lao động, đấu tranh với kẻ thù, trong việc tìm hiểu để thích ứng với thiên nhiên, trong những tín hiệu thông tin liên lạc và cả những cử chỉ bộc lộ tâm tư, tình cảm trong giao tiếp cộng đồng... phản ánh mọi hoạt động của con người, nhằm đáp ứng các nhu cầu của mình trong quá trình tồn tại và phát triển.

Âm điệu trầm bổng, cao thấp khác nhau của tiếng nói và tiết tấu phong phú trong lao động tập thể... chính là hai nhân tố khởi đầu của âm nhạc. Với sự hỗ trợ của nhảy múa, thơ ca; những nghi lễ tôn giáo; các trò ma thuật biểu hiện nhu cầu tâm linh... cũng góp phần cho sự hình thành nghệ thuật âm nhạc.

Trong việc biểu hiện âm nhạc, con người không chỉ dùng giọng hát, tiếng vỗ tay hay các cử chỉ thể hiện niềm vui sướng, nỗi khổ đau, sự phản kháng, nỗi trăn trở, suy tư, những khát vọng, những ước mơ... mà còn biết chế ra các nhạc cụ để hỗ trợ cho sự thể hiện ấy. Thoạt đầu, có thể các nhạc cụ ấy là sự mô phỏng các dụng cụ trong lao động, trong săn bắn... rồi dần được hoàn thiện từ thế hệ này sang thế hệ khác trong quá trình phát triển lịch sử. Qua các chứng cứ khoa học, cho phép chúng ta khẳng định rằng, từ thời kỳ sơ khai cho đến tận ngày nay, mối quan hệ của hát và đàn, hay nói rộng hơn, là nhạc hát và nhạc đàn là liên quan chặt chẽ, khăng khít, luôn ảnh hưởng và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Cũng như ở trên đã đề cập, sự phát triển của xã hội loài người là không đồng đều và tất nhiên, sự phát triển âm nhạc trong các cộng đồng khác nhau ở tất cả các khu vực trên trái đất cũng diễn ra như vậy. Trong các quá trình ấy sự nối tiếp, kế thừa và phát triển luôn đi song song với sự giao lưu, tiếp nhận và chuyển hoá qua lại giữa các nền âm nhạc khác nhau của các cộng đồng, các dân tộc là quy luật tự nhiên. Các quá trình ấy là kết tinh của sự sáng tạo tập thể, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
II. Âm nhạc thời nguyên thủy

Trong sự phân định các quá trình phát triển của lịch sử âm nhạc, thời nguyên thủy được coi là âm nhạc sơ khai, âm nhạc nguồn gốc.

Âm nhạc nguyên thủy là âm nhạc của từng cộng đồng, là nghệ thuật tự biên, tự diễn, chưa có âm nhạc chuyên nghiệp.

Dấu tích đầu tiên của nghệ thuật nguyên thủy được biết đến từ thời cổ đại đồ đá - thời đại đồ đá cũ và thời đại đồ đá mới. Đó là thời kỳ của bộ tộc không giai cấp. Các cuộc khai quật của ngành khảo cổ đã tìm thấy những chứng cứ và những di tích của các nhạc cụ âm nhạc thời xa xưa này. Trên các vách đá, trong các hang động, người ta phát hiện thấy các hình vẽ cảnh săn bắt tập thể, cảnh kịch câm, cảnh có tính nghi lễ tín ngưỡng... và họ giả định những cảnh ấy có sự phụ trợ của âm nhạc, nhằm phục vụ cho cuộc sống lao động, trong đấu tranh với thiên nhiên, với kẻ thù vì sự tồn tại của cộng đồng. Người ta còn tìm thấy những nhạc cụ rất thô sơ được làm từ xương và từ các vật thể khác nhau như chiếc còi, chiếc sáo...

Nghệ thuật nguyên thủy là hiện tượng phức tạp. Đó là sự kết hợp của một vài loại hình nghệ thuật, những cảnh lao động và các trò ma thuật. Hoạt động nghệ thuật của con người nguyên thủy trình bầy thống nhất các yếu tố từ nghệ thuật thơ ca, nhảy múa, động tác kịch câm... Sau này, sáng tác nghệ thuật dần được khái quát thành các dạng nghệ thuật riêng biệt.

Hoạt động nghệ thuật nguyên thủy có đặc điểm tập thể, không phân biệt giữa người sáng tác, biểu diễn và thính giả. Những bài ca cổ nhất không chỉ được biểu diễn tập thể, mà còn biểu hiện tình cảm chung của cả tập thể xã hội bộ tộc. Muộn hơn, việc biểu diễn tồn tại hai dạng: đồng ca và đơn ca. Những bài ca có cấu trúc đơn giản về hình tượng nhưng được đa dạng hoá qua các biến khúc hoặc thay đổi về âm sắc, cường độ. Sau này, các bài ca còn chứa đựng những yếu tố mang tính thể loại khác nhau như: lao động, phong tục, ngợi ca, trữ tình, anh hùng... Có thể cho rằng, một trong những thành tựu của văn hoá âm nhạc chế độ không giai cấp còn cả loại biểu hiện nhiều bè. Ở một số bộ tộc có các dạng nhiều bè khác nhau, đặc biệt là phỏng mẫu.

Các nhạc cụ với nhiều hình dạng đã có từ thời nguyên thủy. Người nguyên thủy dùng nhạc cụ là một phương tiện quan trọng để tạo sự phong phú về mầu sắc và nhấn mạnh tiết tấu, ấn định tính chính xác, tăng cường cho hát. Tuy nhạc cụ còn thô sơ nhưng khá phong phú về chủng loại. Đó là các loại sáo được làm từ xương động vật hoặc thân cây, các loại khác nhau của nhạc cụ gõ và muộn hơn còn có các nhạc cụ dây.

Các nhạc cụ gõ xuất xứ là những vật thể vang bằng các chất liệu rắn, dùng gõ vào nhau hay dậm, đập xuống đất, hoặc các vật thể rỗng, ở trong có các hạt khô, cứng dùng để lắc... đệm cho hát, múa. Nhạc cụ dây là phỏng từ chiếc cung dùng để săn bắn tạo thành, qua nhiều quá trình thay đổi để hoàn thiện, ở các thời đại sau có tên gọi là harpe (hác-pơ).

Văn hoá âm nhạc của thời nguyên thủy được giữ gìn, tồn tại. Những nét đặc trưng của nền âm nhạc nguyên thủy được kế thừa, tiếp tục, phát triển ở các thời đại nối tiếp. Đồng thời, những sinh hoạt âm nhạc ấy gần như được tồn tại nguyên dạng ở một vài cộng đồng người đang sống trên một vài vùng khác nhau của trái đất.
Qua kết quả và các chứng cứ của các ngành khoa học và quan sát sinh hoạt âm nhạc của số ít cộng đồng ấy, cho phép các nhận xét về văn hoá âm nhạc thời nguyên thủy là có tính khoa học, logíc.
(Theo Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Phương Hoa)


Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© Sổ ghi chú
Designed by BlogThietKe Cooperated with Duy Pham
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top