Chúng ta thường nghĩ rằng nhạc cổ điển là những bản nhạc được sáng tác từ những thế kỷ 17, 18 do những nhà soạn nhạc vĩ đại như Mozart, Bethoven, Bach, Tchaikovsky...và cái tên "cổ điển" là vì tính chất "xưa" của nó. Nhưng trong thế kỷ 20 và có thể cả thế kỷ 21 nữa, sẽ có thêm nhiều bản cổ điển hiện đại của các nhà soạn nhạc có tiếng như Charles lves, Aaron Copland... bởi vì nhạc cổ điển là một thể loại nhạc châu Âu . Nhạc cổ điển thường phức tạp hơn các loại nhạc khác với các hình thức thông thường là giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, nhạc cho kịch múa (ba lê). Các bản cổ điển bất hủ: Serenade (nhạc chiều) , Thư gửi ELYSE, BẢN SONAT ÁNH TRĂNG, Ave Maria...
* Nhạc thính phòng giao hưởng:
Thính phòng và giao hưởng là hai thể loại nhạc anh em với nhau. Giao hưởng là thể loại nhạc soạn cho cả một dàn nhạc hòa tấu với qui mô lớn , tận dụng sự phong phú đa dạng về hòa thanh, âm sắc, độ vang của nhiều nhạc cụ. Giao hưởng thường gồm 4 tốc độ tạo thành bốn chương tương phản nhưng vẫn có sự gắn bó hữu cơ với nhau.
Thính phòng là nhạc giao hưởng ở qui mô nhỏ, thường được viết cho một nhóm nhạc công 3, 4 người chơi cùng nhau, hoặc có khi chỉ một người chơi chính trong nhóm nhạc phụ họa. Trước đây nhạc thính phòng được coi là nhạc quí tộc và phục vụ số ít thính giả, vì thế nên có tên là "nhạc trong phòng". Một nhóm nhạc sĩ 4 người chơi đàn dây (tứ tấu đàn dây) gồm 2 violon, 1 viola và cello là ví dụ tiêu biểu cho thể loại nhạc này. Trong nhạc thính phòng, mỗi nhạc cụ chơi một phần riêng biệt
* Concerto:
Concerto là tác phẩm nhạc có tính chất kỹ xảo điêu luyện viết cho một (hoặc 2, 3) nhạc cụ diễn tấu với dàn nhạc và thường có hình thức liên khúc sonat. Concerto thường gồm 3 chương nhạc: Chương 1 có nhịp điệu nhanh, chương 2 chậm - trữ tình, chương 3 rất nhanh.
Concerto phát huy cao nhất hiệu quả âm nhạc của nhạc cụ độc tấu và tài năng kỳ diệu của nghệ sĩ độc tấu thông qua các đoạn Cadenza (đơn tấu không có sự tham gia của dàn nhạc). Thông thường Concerto được viết cho 1 nhạc cụ nên thường có tên "Concerto viết cho violon..." "viết cho piano"... Ðôi khi cũng gặp các bản Concerto có 1, 2 hoặc 4, 5 chương và những bản viết cho một nhóm nhạc cụ hoặc cho cả dàn nhạc.
* Giọng Tenor:
Tenor là giọng nam cao thể hiện trong tác phẩm ca nhạc. Cao độ của giọng hát thường được chia thành 6 1oại giọng theo cấp độ: 3 cho nam và 3 cho nữ. Sáu loại giọng được sắp xếp theo cấp độ thấp dần như sau: Soprano (nữ cao) - cao nhất, mezzo sprano (nữ trung), contralto (nữ trầm), tenor (nam cao) , baritone (nam trung) bass (nam trầm) - thấp nhất. Trong đó giọng nữ trầm tuy ngang với giọng nam cao nhưng rộng và mượt hơn. Ở nước ta giọng nữ cao tiểu biểu ở NSND Lê Dung và nam trầm ở NSND Trần Hiếu.
* Opera:
Opera là tên của thể loại nhạc kịch ; vở kịch có lời được hát thành nhạc. Phần nhạc đệm được chơi bởi một ban nhạc, thậm chí là dàn nhạc. Khác với kịch hát của nước ta thường hát theo các làn điệu dân ca và các bài hát có sẵn (ví dụ : dân ca kịch Huế, ca cải lương:..). Opera có giai điệu biến đổi theo diễn biến, tình tiết của vở kịch , thường xuyên có những đoạn cao trào hay trầm lắng các nghệ sĩ Opera phải thuần thục về thanh nhạc có khi phải lên đến giọng cao nhất cũng như tới giọng thấp nhất. Xưa nay, opera chỉ được biểu diễn phục vụ tầng lớp thượng lưu nên còn gọi là nhạc qúy tộc
* Các loại đàn guitar:
Cây đàn guitar chúng ta thường thấy là thuộc loại guitar gỗ (guitar thùng) có hộp cộng hưởng là thùng đàn. Tiếng của guitar gỗ rất hay và ấm nhưng độ vang kém. Muốn chơi trong dàn nhạc người ta phải dùng tới guitar điện không còn thùng đàn nhưng tiếng được khuếch đại lên nhiều lần nhờ hệ thống tăng âm điện tử. Guitar điện có hai loại chính : guitar lead (âm thanh cao, chói tai) và guitar bass (âm trầm). Guitar bass chỉ có 4 dây cỡ lớn. Cây đàn guitar của người Nam Bộ được khoét lõm xuống ở phần cần đàn giữa các phím để đệm cho ca vọng cổ. Khi chơi, nghệ sĩ chỉ việc bấm mạnh hay nhẹ hoặc rung ngón bấm là có thể tạo ra luyến láy rất hợp với dân ca Nam Bộ.
Cây đàn guitar Hawaii (lục huyền Cầm Hạ Uy Di) tuy cũng là guitar điện nhưng các nhạc công dùng một thỏi kim loại bấm xuống dây thay vì dùng ngón tay. Khi chơi người ta di chuyển thỏi kim loại này rất linh hoạt tạo cho tiếng đàn sự luyến láy rất đặc biệt. (Theo báo Hoa Học Trò - số 355).
* Nhạc Blues:
Cùng với nhạc Jazz, nhạc Blues có nguồn gốc từ những bài ca lao động, tôn giáo và dân ca của người Mỹ da đen được người Mỹ da đen khởi xướng vào đầu thế kỷ 20. Nhạc Blues thường buồn, vì thế nên có tên Blues (buồn) Nhạc Jazz thường được biểu diễn bằng kèn, giai điệu réo rắt.
* Nhạc Country (đồng quê):
Trước hết, có thể hiểu ngay " nhạc Country" đó là nhạc đồng quê. Khi âm thanh và giai điệu nổi lên, người ta có thể hình dung đến những đồng cỏ bạc ngàn xanh mướt - với những chàng cao bồi miền Tây lãng du. Nói đúng hơn, nhạc Country gắn liền với một nển văn hoá cao bồi mà ở Mỹ chính là quê hương. Nhạc đồng quê ra đời ở Mỹ dựa trên nhạc thượng du miền Nam, chịu nhiều ảnh hưởng từ những hệ thống nhạc khác như Blues, Jazz. Loại nhạc này thường có giai điệu trầm buồn. Nhạc Country phổ biến nhờ đài phát thanh Grand Ole Orpy bang Tennessee vào những năm 20.
Nguồn gốc của chúng xuất phát từ những người dân Anh nhập cư đến Mỹ, họ mang theo những ca khúc Ballad Celtic với phần lời theo lối kể chuyện mộc mạc, bình dân. Nói khác đi, cội nguồn của nhạc nhạc country chính là những bài dân ca mà những người dân nhập cư từ Anh, Scotland, Iraland đã mang đến vùng núi Appalanchian ở miền Nam Mỹ vào thế kỷ 18 - 19. Ðến thập niên 1930 - 1940, những bộ phim về cao bồi Viễn Tây đã làm dậy lên làn sóng nhạc country. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ngành công nghiệp ghi âm bùng nổ, Nashville trở thành chiếc nôi của nhạc Country. Và đến những năm 60, dòng nhạc này thực sự ở đỉnh cao với người khởi xướng là Bob Dylan và nhóm byrds. Dòng nhạc thanh cảnh, không cần nhiều nhạc cụ, đôi khi chỉ là một cây guitar; người ta vẫn say sưa hát. Nội dung đơn giản với trung bình khoang từ trong một bài. Chủ đề thường gặp ở nhạc Country là những triết lý nhỏ về cuộc sống, cuộc đời của những người lao động, sự cô đơn hay những niềm tin và các mối quan hệ trong gia đình.
Ngày nay, để đáp ứng thị hiếu của người nghe, các nhà sản xuất thường pha trộn giữa Country với nhạc Pop và Rock đã phần nào làm cho người nghe, nhất là giới trẻ, khó có thể nhận và phân biệt từng loại nhạc (những bài hát của Shania Twain; Garth Brooks; Trisha Yearwood). Tuy nhiên, cũng phải nhờ họ mà nhạc nhạc Country không bị rơi vào sự lãng quên.
* Nhạc Rock:
Còn gọi là Rock'N' Roll, do Elvis Presley khai sinh từ thập kỷ 50. Dựa trên tiết tấu của ca ba loại nhạc trước đó (Blues, Jazz, Country) nhưng Rock lại có tiết tấu mạnh và nhanh, thường sử dụng các loại nhạc cụ điện tử. Rock chú ý tới hiệu ứng âm thanh của các nhạc cụ hơn là giọng hát. "Folk rock" (rock dân ca) là loại rock nhẹ giống như "slow-rock", "soft-rock"... "Hard rock" là loại Rock nặng với tiết tấu dữ dội và âm thanh cực lớn, chát chúa. Cùng thể loại này là "heavy rock", "heavy metal".
* Nhạc pop:
Là loại nhạc phổ biến (popular) hiện nay ở hầu hết các ca khúc như của Celine Dion, Madonna, Frank Sinatra, Brandy...Pop chú trọng nhiều hơn Rock về giai điệu và nhịp điệu, âm thanh cũng mềm hơn.
* Nhạc Rap:
Là loại nhạc nói hoặc đọc thanh, được đệm bằng những nhịp mạnh, dồn dập. RAP vì thế chú ý đến nhịp hơn giai điệu. Do người Mỹ da đen sáng tạo, RAP thường biểu hiện cho sức mạnh dữ dội, cuồng nhiệt và tạo cảm giác giận dữ, bạo lực
* Album và Single
Trong việc sử dụng các từ, người ta thường không quan tâm về mặt thuật ngữ và thường làm thay đổi các ý nghĩa bao hàm của nó. "Album" là một ví dụ tiêu biểu. Một cuốn album hình chẳng hạn, gồm nhiều hình, nhưng ngày nay trong lĩnh vực âm nhạc chúng ta hiểu album là một đĩa LP hoặc một băng cassette. Một album thường có đến từ 10 đến 12 ca khúc trên một mặt đĩa LP. Nếu việc thu âm trên đĩa hay băng cassette gồm một bộ hai đĩa LP hay hai băng cassette, người ta sẽ gọi đây là "double album" hay "double cassette".
Cuối thập niên 40, khi các nhà khoa học phát minh ra chiếc đĩa nhựa tổng hợp, thị trường thế giới có hai loại đĩa: đĩa đơn hay còn gọi là đĩa single, chạy với tốc độ 45 vòng/phút, chỉ ghi được 1 ca khúc, còn gọi là đĩa 45. Single thường được ghi âm ca khúc đang được công chúng yêu thích nhất hoặc nhà sản xuất muốn giới thiệu đến công chúng một cái gì đó vô cùng đặc biệt.
Loại thứ hai là đĩa LP, chạy chậm với tốc độ 33 vòng/phút, chỉ ghi được 2 mặt lên đến 40 phút, chứa từ 8 đến 10 ca khúc, nên đĩa 33 này còn được gọi là album. Theo thời gian, những chiếc đĩa nhựa phải nhường bước cho băng nhựa rồi đến thế hệ ghi âm kỹ thuật số, tức chiếc CD hiện thời. Hình thức single một dạo thoái trào nay đã phục hồi trở lại, nhưng nhờ kỹ thuật tiên tiến, nội dung chiếc single thường chứa 2-3 bài.
* Recording (phương tiện ghi âm)
Recording bao gồm các đĩa băng cassette, đĩa compact hay bất kỳ "vật chứa" nào trên đó phần nhạc thu vào đều có thể được phát lại. Trải qua các thời kỳ phát triển từ thế kỷ thứ 19 (chưa có nhạc cụ điện tử) đến thời đại kỹ thuật số hiện nay, Kỹ thuật ghi âm đã trở nên ngày càng đạt mức độ trung thực cao, tương đương như khi đang nghe trình diễn trực tiếp. Ngày nay, các phương tiện thu âm được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ đĩa xilanh nhựa đặc đến shellac (nhựa cánh kiến), đĩa vinyl (nhựa tổng hợp); các loại băng cũng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ ô-xit, carbon, metal đến các loại băng đĩa đọc bằng kỹ thuật số.
* Record Label (nhãn đĩa, công ty ghi âm)
Record Label là một mảnh giấy hình tròn được dán giữa đĩa nhạc, trên có ghi tên của hãng ghi âm hoặc tên của công ty đứng ra chịu trách nhiệm phát hành đĩa. Ngoài ra trên mảnh giấy này bạn có thể thấy danh mục các ca khúc hoặc bản nhạc trên cùng mặt đĩa có dán label cũng như tên của ban nhạc hoặc tên người biểu diễn các ca khúc hoặc bản nhạc này. Ngày này, Record Label được dùng với nghĩa mở rộng chỉ công ty phát hành đĩa nhạc.
* Side (mặt đĩa)
Trước khi sử dụng băng từ, nhạc thường được ghi trên đĩa shellac và sau đó là đĩa polyvinyl chloride. Ngoại trừ các đĩa xuất hiện thời kỳ đầu, nhạc thường được ghi âm trên cả hai mặt đĩa (chúng ta thường gọi là mặt A và mặt B). Với các phương tiện ghi âm phổ biến, mặt A (side A) thường gồm các ca khúc chính hoặc có chất lượng âm thanh hay hơn so với mặt B (side B hoặc flip side), mặc dù trong một số trường hợp, các ca khúc được ghi trên mặt B lại là các ca khúc được mọi người ưa chuộng. Trong các album LP, các ca khúc ở mặt A và mặt B không có sự khác biệt nào về chất lượng.
* Soundtrack (nhạc phim)
Một soundtrack là phần âm nhạc trong mộy bộ phim được phát hành trong một album (băng cassette hay dĩa CD). Soundtrack gồm tất cả phần nhạc sử dụng trong bộ phim. Về phương diện kỹ thuật, phần âm thanh trong phim được thu bao gồm lời đối thoại, âm nhạc và các hiệu quả âm thanh được gọi là soundtrack.
* Track (rãnh âm thanh)
Tất cả các phương tiện ghi âm (băng, đĩa ...) được miêu tả đều có liên quan đến track. Nội dung của các phương tiện như record (đĩa nhạc), cassette tape (băng cassette) và CD (đĩa compact) là những bản nhạc được ghi âm và số bản nhạc trên mỗi vật chứa nhiều ít khác nhau tùy thuộc vào mỗi loại vật chứa. Ngày nay, trong các lời hướng dẫn, giới thiệu một bài nhạc, việc mô tả các track riêng biệt còn được dùng làm một trong những tiêu chuẩn mới nhất để đánh giá chất lượng một bài nhạc. "Track" còn có nghĩa là mỗi một loại âm thanh nào đó - nhạc cụ hay giọng hát - đã được thu âm trong quá trình sản xuất. Số track (rãnh âm thanh) được thu trong các studio có thể thay đổi trong khoảng từ 16 đến 48 track. Số lượng này cùng với sự phân tách rạch ròi giữa các track và các nhạc khí càng lớn có nghĩa là chất lượng âm thanh của bài nhạc sẽ càng cao. (Tổng hợp)
* Supergroup là gì?
"Supergroup" (siêu nhóm) là từ để chỉ nhóm nhạc với các thành viên từ các nhóm nhạc đã có tiếng tăm trước đó. Một trong những supergroup thành công nhất là Cream với các thành viên Eric Clapton (nhóm John Mayall's Bluesbreakers), Jack Bruce và Ginger Baker (Graham Bond Organisation). Bên cạnh đó là nhóm nhạc mà cái tên cũng đủ cho thấy tính chất supergroup, đó là Crosby, Stills, Nash & Young với David Crosby (nhóm Byrds), Stephen Stills (nhóm Buffalo Springfield), Graham Nash (nhóm Hollies), Neil Young (cũng thuộc nhóm Buffalo Springfield). Tuy nhiên, hầu hết các supergroup đều không đạt được độ thành công mà các thành viên đã có được trước đó. Traveling Wilburys với các "đại gia" như Roy Orbison, Bob Dylan, Tom Petty, George Harrison và Jeff Lynne không thể nào sánh được với những gì mà các tên tuổi này tạo ra trước đó. Các thành viên càng nổi tiếng càng có "cái tôi" quá lớn, có phong cách riêng nên khó hòa hợp lại. Supergroup đôi khi là sự lắp ghép khá khiêng cưỡng, là dự án tay trái của các thành viên khi nhóm nhạc chính của họ tạm ngưng hoạt động. Một số supergroup quen thuộc là: Asia, Contraband, Liquid Tension Experiment, Oysterhead...
0 nhận xét