Tuesday, September 4, 2012

Cán bộ tín dụng: Nghề “nguy hiểm”

Được mặc định là một công việc đáng mơ ước, nhưng trên thực tế, nhân viên tín dụng luôn phải đối mặt với sức ép công việc, đôi khi phải hầu tòa khi có “sự cố”...

Không ít nhân viên ngân hàng trở thành bị cáo trong các vụ án hình sự vì những sai sót nghiệp vụ
 
Từng được mặc định là một công việc đáng mơ ước với mức lương, thưởng cao ngất và đóng đô trong những văn phòng hạng A, nhưng trên thực tế, nhân viên ngân hàng, đặc biệt là nhân viên tín dụng luôn phải đối mặt với sức ép công việc nặng nề, bên cạnh những rủi ro mất việc, đền tiền, thậm chí là phải hầu tòa khi có “sự cố”...

Một nhân viên tín dụng chia sẻ, làm việc ở khối này có nhiều nỗi sợ, mà đầu tiên là sợ nợ quá hạn phát sinh. Mục đích của việc lập hồ sơ tín dụng là nhằm xem xét, đánh giá khả năng trả nợ của người vay, một khi nợ quá hạn phát sinh tức là ở một quy trình nào đó đã xuất hiện vấn đề. Khi nợ xấu phát sinh thì hệ lụy lại kéo theo thêm một nỗi sợ nữa là sợ không có tài sản đảm bảo để xử lý, hoặc vì nhiều nguyên nhân mà tài sản đảm bảo không còn là tài sản đảm bảo.

Nguyên tắc đảm bảo cho khoản vay đúng quy định bắt buộc là phải đúng mục đích. Tuy nhiên, khi khách hàng cố tình lừa đảo, làm giả hồ sơ để lấy tiền và sử dụng không đúng mục đích thì nhân viên ngân hàng cũng không thể biết trước mà đề phòng. Tất cả chuyện này có thể dẫn đến trách nhiệm dân sự, thậm chí là trách nhiệm hình sự của nhân viên ngân hàng.

Năm 2011, một nhân viên đã có thâm niên hơn 10 năm công tác trong ngành ngân hàng đã phải đối mặt với cáo buộc từ chính ngân hàng nơi mình đang làm việc về những sai sót xảy ra trong quá trình cấp tín dụng. Vị trưởng phòng của một chi nhánh ngân hàng này đã phải lựa chọn giữa các phương án nghỉ việc và đền tiền, hoặc là bị tố cáo ra cơ quan công an. Cuối cùng, cán bộ ngân hàng này lựa chọn bán nhà để đền 500 triệu đồng rồi tìm kiếm công việc khác.

Luật sư Trần Minh Hải, người đã nhiều năm công tác trong bộ phận pháp chế của một số ngân hàng cho rằng, đây có lẽ vẫn là ‘ca nhẹ’ khi nói đến những rủi ro mà cán bộ tín dụng gặp phải. Bỏ qua các vụ án mà nhân viên ngân hàng cố tình làm sai quy trình nghiệp vụ để chiếm đoạt tài sản, thì không ít nhân viên ngân hàng trở thành bị cáo trong các vụ án hình sự vì những sơ sót trong nghiệp vụ. Thậm chí, một lãnh đạo cao cấp của ngân hàng hoàn toàn có thể “ngã ngựa” vì một hồ sơ đã lập và ký từ hàng chục năm trước.

Gần đây, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Lê Bá Quỳ, Phùng Văn Thúy dùng 21 sổ đỏ giả và 4 pháp nhân để lừa đảo hơn 70 tỷ đồng của 5 ngân hàng. Trong vụ án này đã có 5 cán bộ tín dụng phải đứng trước vành móng ngựa vì tội danh ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’.

Theo cáo trạng, Phạm Văn Sơn, cán bộ tín dụng của Agribank Gia Lâm đã xếp Công ty Quỳ Leather, một trong 4 pháp nhân nói trên, vào nhóm khách hàng hạng A để được ưu đãi (lãi suất thấp và chỉ cần một phần tài sản đảm bảo) khi vay vốn, dù rằng công ty này mới thành lập được 1 tháng và cũng không đi kiểm tra thực tế xem có hoạt động thực sư hay không.

Cũng trong vụ việc này, Bùi Văn Hải, cán bộ tín dụng PGBank Hà Nội đã không thực hiện thẩm định cụ thể hồ sơ nên không phát hiện ra các hợp đồng kinh tế của Công ty Thủy’s Ceramics đều là hợp đồng giả, không kiểm tra tài sản thế chấp mà vẫn báo cáo thẩm định đề xuất cho vay. Theo cáo trạng thì các cán bộ tín dụng còn lại như Nguyễn Thị Hồng Tú, Nguyễn Văn Tiệp… đều ‘mắc lỗi’ trong việc thẩm định hồ sơ.

    Ngoài ra, đối với các tài sản thế chấp, theo quy định, các ngân hàng sẽ phải làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo. Có ý kiến cho rằng, nếu các cán bộ ngân hàng tuân thủ đúng, đủ các quy định của ngân hàng về đăng ký giao dịch đảm bảo thì các sổ đỏ giả này sẽ sớm bị Phòng Tài nguyên Môi trường - nơi thẩm định giấy tờ đăng ký nhà đất - phát hiện, hoặc ít nhất cũng phát hiện việc các đối tượng sử dụng sổ đỏ để thế chấp nhiều lần.

Tuy nhiên, các cán bộ ngân hàng đã không tuân thủ quy trình, đơn cử như Nguyễn Thị Hồng Tú, Phó phòng giao dịch Giảng Võ, Techcombank Đông Đô, kiêm cán bộ tín dụng tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất cho vay đã giao luôn cho Lê Bá Quỳ đi đăng ký giao dịch đảm bảo tại Văn phòng đăng ký nhà đất huyện Gia Lâm. Thậm chí, Tú đi cùng Quỳ nhưng lại giao cho Quỳ vào thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo mà không vào cùng.

Tương tự như vậy, Nguyễn Văn Tiệp cũng đi cùng Quỳ đến Văn phòng đăng ký nhà đất, nhưng để Quỳ vào một mình. Nguyễn Phú Cường, cán bộ hỗ trợ tín dụng PGBank Hà Nội được ngân hàng giao nhiệm vụ đến Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Lâm để xác minh 3 sổ đỏ, nhưng không trực tiếp làm mà lại giao luôn cho Quỳ làm. Do đó, Quỳ có cơ hội làm giả giao dịch đảm bảo để lừa tiền ngân hàng.

Một vụ án khác đã từng 2 lần bị trả lại hồ sơ để điều tra thêm là vụ lừa đảo có liên quan tới Maritime Bank, theo đó các bị cáo đã dùng thủ đoạn ‘thuê’ 12 tỷ đồng của người khác, khi tiền về tài khoản, các bị cáo yêu cầu ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh cho một hợp đồng mua bán thép. Sau khi ngân hàng phát hành bảo lãnh, các bị cáo rút tiền bằng cách yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh.

Do các đối tượng đã sử dụng hình thức bảo lãnh ký quỹ 100% và cán bộ ngân hàng Vũ Ngọc Quỳnh đã không thẩm định kỹ hồ sơ nên không biết rằng, đó là hợp đồng giả. Phần xét hỏi tại phiên tòa cho thấy, hồ sơ bảo lãnh thiếu một số giấy tờ so với Quy chế phát hành bảo lãnh cho DN vừa và nhỏ được ban hành kèm theo Quyết định 56/2009/NĐ-CP như báo cáo nhanh tình hình tài chính, hóa đơn, chứng từ có liên quan…

Trong những vụ án này, các nhân viên tín dụng đều bị cáo buộc đã làm sai quy trình nghiệp vụ, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vấn đề là trong guồng quay của đồng vốn, giữa sức ép chỉ tiêu từ hệ thống, nhân viên tín dụng nếu làm đúng theo quy trình, quy chế thì rất khó hoàn thành doanh số.

Đơn cử, một nhân viên tín dụng quản lý một số DN ngành thép. Một khoản vay 100 tỷ đồng mà đòi hỏi toàn bộ tài sản đảm bảo là bất động sản là điều không thể. Để có thể cho vay thì phải chấp nhận tài sản đảm bảo khác, trong trường hợp này là hàng hóa (thép). Nếu đúng quy định mà làm thì hàng hóa thế chấp phải đủ tại kho, nhưng như vậy thì rất khó cho DN hoạt động. Nhưng nếu lơi lỏng, trong trường hợp kiểm tra mà thiếu tài sản đảm bảo là hàng hóa thì tránh nhiệm trước tiên thuộc về cán bộ tín dụng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Ngân hàng - Đầu tư, trong trường hợp nhân viên tín dụng nói riêng và các cá nhân khác nói chung bị truy tố, thì phải làm rõ điều khoản pháp luật mà cá nhân đó vi phạm. Nhiều trường hợp, nhân viên tín dụng hoàn toàn không vi phạm quy định nào của pháp luật, không vi phạm Bộ luật Hình sự, không vi phạm theo Luật Các tổ chức tín dụng hay thông tư, nghị định nào mà chỉ vi phạm quy trình, quy chế nội bộ của tổ chức và như vậy thì chỉ chịu xử lý nội bộ như kỷ luật, sa thải…, nhưng trên thực tế phần lớn đều bị tổ chức đó đề nghị xử lý hình sự.

Còn theo luật sư Trần Minh Hải, đơn cử như quy định về đăng ký giao dịch đảm bảo, Quy chế cho vay 1627 của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định là ngân hàng phải đăng ký giao dịch đảm bảo đối với một số tài sản. Việc tổ chức đăng ký được giao quyền cho ngân hàng. Do đó, mỗi ngân hàng có quy định khác nhau về việc này.

Có ngân hàng để nhân viên tín dụng làm luôn, có ngân hàng giao cho nhân viên hỗ trợ tín dụng và có trường hợp ở chi nhánh, phòng giao dịch khi không quy định cụ thể thì nhân viên tín dụng “ôm” luôn công đoạn này, dù không được phân công bằng văn bản. Tuy vậy, khi có rủi ro xảy ra thì nhân viên này sẽ phải gánh trách nhiệm, dù rằng không có quy trình, quy chế chính thức nào quy định về nhiệm vụ này do nhân viên tín dụng thực hiện.

Theo Bùi Trang- Đầu tư Chứng khoán
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© Sổ ghi chú
Designed by BlogThietKe Cooperated with Duy Pham
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top