Sét đánh trúng gái bán dâm
Tháng 9 năm 2003, bên rìa một sàn nhảy được miêu tả là “tưng bừng từ nửa đêm trở đi, và có thể có nhạc hay” ở Phnom Penh, Benjamin Prüfer làm quen với Sreykeo.
Sreykeo không son phấn, cũng không khêu gợi như những cô gái khác trong hộp đêm. Bàn tay cô thô ráp, nhăn nheo, đầy sẹo – đôi bàn tay của một người làm ruộng, nhưng những móng tay được để dài, tô đỏ, mỗi móng vẽ một vệt quệt ngang màu bạc lấp lánh hình tia chớp, tất cả giá 2$. Và đó là cái cớ đầu tiên để họ bắt đầu câu chuyện.
Tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi biên giới và chia sẻ sức mạnh để sống một đời hạnh phúc bên nhau. Ảnh: blueladyblog.com
Benjamin khi đó 22 tuổi, đang là biên tập viên của một tờ báo ở Hamburg. Tuy nhiên, công việc của anh lúc này khá nhàm chán và bế tắc. Anh tin vào ý kiến một người bạn rằng du lịch [là bước khởi đầu] biến ta thành người tốt hơn, hạnh phúc hơn. Trong lúc quá chén, anh đã đăng ký mua vé máy bay qua mạng đến Thái Lan. Và cơn bột phát ấy đã đưa anh tới Thái Lan, qua Lào, và từ Lào đi Campuchia.
Những âu yếm phảng phất chân thực của Sreykeo là điều làm Benjamin xúc động. Sau một đêm, cô gái có mái tóc đen dài như làn nước, mát và có mùi đất, lông mi dài, gò má cao, môi đậm thoáng vẻ bướng bỉnh ấy đã để lại chút quyến luyến trong Ben. Dù ban đầu, anh vẫn coi cuộc gặp gỡ với cô như một bước lỡ chân trong đêm sặc men rượu.
Anh vẫn có thì giờ để ra đi, nhưng con người thực, không chút phô diễn – một vẻ mặt hiếm hoi trong thế giới Tây ba lô là Sreykeo đã khiến anh muốn gặp lại. Trong nhiều khoảnh khắc, vẻ chân thực không phô diễn của cô đã khiến Benjamin quên cô là gái mại dâm, và anh nghĩ “có thể cô cũng quên”. Benjamin đã bắt đầu say mê Sreykeo, khi anh nhìn thấy bằng toàn bộ cảm xúc hình ảnh chân thực và trong sáng của một cô gái Khmer nơi Sreykeo.
Những ngày lưu lại Phnom Penh, Benjamin đã cùng Sreykeo đi chợ, khám bệnh, về quê... Sreykeo đưa anh về ra mắt gia đình - trong một nhà chung cư khổng lồ, cũ nát và hoang tàn, nơi có tới 80% các cô gái hành nghề mại dâm. Sreykeo sống với mẹ, chị gái, em gái, em trai và một em gái nuôi mới 1 tuổi. Chị gái cô cũng làm gái gọi và đã nhiễm HIV. Ngôi nhà bao phủ bởi một màu chán nản, nhưng vẫn còn một chỗ bám để không chìm đắm vào bất hạnh, đó là Rottana, con bé 1 tuổi nhắng nhít mà Sreykeo yêu thương, bảo vệ. Ben đã sống cùng gia đình này và những quan sát và hiểu biết cuộc sống từ đau đớn cùng giấc mơ giản đơn đến kinh ngạc, lấy chồng và sinh hai đứa con của Sreykeo, đã chinh phục anh. Benjamin muốn đưa Sreykeo ra khỏi nghề mại dâm.
Gương mặt không son phấn, cũng không khêu gợi nhưng chính con người thực, không chút phô diễn của Sreykeo đã làm Benjamin muốn gặp lại. Ảnh: spiegel.de
HIV, HIV…
Benjamin trở về Đức và họ thường xuyên liên lạc qua email, điện thoại, tin nhắn. Nhưng một ngày âm u nọ, vực thẳm đã sớm hiện ra: Sreykeo viết trong email rằng cô vừa bị phát hiện nhiễm HIV.
Dù có thể, nhưng Benjamin không muốn bỏ rơi Sreykeo. Trong suy nghĩ của anh, “Tình yêu không là gì khác ngoài giấc mơ về một tương lai chung, căn nhà chung, con cái chung, những ngày sống chung. Nhưng nếu một trong hai người không có tương lai nữa?...”
Từ trên mạng, từ bạn bè, từ các tổ chức cứu trợ, Benjamin tìm kiến thức, tìm thuốc,… tìm mọi cách đẩy lùi cái chết của Sreykeo.
Trong khi Benjamin lập những cuốn sổ điều trị HIV, thì Sreykeo tạo một cuốn “Sổ yêu của Sreykeo và Benjamin Prufer”, trong đó, cô chép lại sạch sẽ tất cả các tin nhắn của Benjamin, dán những tấm hình của hai gia đình và của riêng Benjamin.
Đó là lần họ gặp lại nhau sau khi Ben biết Sreykeo nhiễm HIV, Benjamin cầm tay Sreykeo, và nghĩ: “Ta quen từng vết xước, từng nếp nhăn trên đó. Vậy mà mọi sự đều đổi khác, không phải bàn tay ấy nữa. Từ giờ trở đi ta không chỉ là một đôi, không bao giờ một mình nữa, còn một kẻ thứ ba nhập bọn mà ta không được phép lờ đi”.
Anh bắt đầu thời kỳ tiết kiệm mọi đồng tiền và bay qua bay lại giữa Đức và Campuchia để đưa Sreykeo đi chữa trị.
Chính trong lúc tuyệt vọng này, những ước mơ của Sreykeo lại trỗi dậy hơn bao giờ hết. Cô muốn là “cô gái số 1 thế giới”. Cô muốn đến trường, học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, cô muốn biết mọi thứ. Riêng Benjamin thì biết, Sreykeo – một cô gái làm tiền bị AIDS thất học, sống sót được là may – muốn đạt được tất cả những điều đó là bởi cô muốn giữ hình ảnh vui tươi hoạt bát của mình để anh quay lại với cô.
Cô luôn gọi Ben là “ông xã”, cô muốn mọi người biết rằng họ không phải là du khách cặp với cave, mà họ là một đôi vợ chồng. Nhưng Ben thì chưa muốn gọi cô là vợ. Trầm cảm nối tiếp trầm cảm. Họ lãng quên bằng cách ra ở riêng, thay đổi đời sống liên tục, đi bơi và xem phim… Nhưng sự lãng quên này phải trả bằng tiền. Và họ rơi vào kiệt quệ.
Trong một lần với nhau, Benjamin bị rách bao cao su, và lúc này, cả hai đều thực sự phải đối mặt với thứ thách. Benjamin phải sống trong nỗi lo sợ nhiễm HIV và mặc cảm tội lỗi một thời gian. Anh sợ mình trở thành gánh nặng cho người khác và phải luôn giữ một vẻ ngoài bình thường để không ai được thấy gan ruột anh hoặc biết anh nghèo đến mức nào. Benjamin trải qua tất cả nhưng không than vãn. Mục tiêu duy nhất của anh lúc này là tìm một hướng điều trị HIV. Anh chật vật nghiên cứu mọi tài liệu cơ bản về điều trị HIV, vẽ ra các sơ đồ biện pháp tiềm năng rồi học thuộc như học từ mới.
May mắn cho Benjamin, các xét nghiệm cho thấy anh âm tính với HIV, những hy vọng đã được nối dài. Song cú nhiễm bệnh tưởng tượng đã thay đổi tận gốc lối hành xử của Benjamin. Anh hiểu sâu sắc rằng AIDS nghĩa là gì, sự cách ly và tuyệt vọng nghĩa là gì.
Và đây là giọt nước cuối cùng, khiến anh quyết định chung sống với Sreykeo. Cuộc đấu tranh vì tình yêu đã sớm biến thành cuộc đấu tranh giành sự sống từ móng vuốt tử thần…
“Tình yêu không nhất thiết phải được thử thách ở tầng cao của tinh thần, mà ở dưới này, ở thực tại của chúng ta. Nơi đôi khi cũng đầy cay đắng.” Benjamin nói.
Đến và ở lại với Sreykeo, khi thì ở với gia đình cô trong khu chung cư cũ nát, lúc ở những căn hộ đi thuê tồi tàn chật hẹp – khi ở Phnompenh, lúc ở quê, rồi cùng sang Thái Lan khám bệnh, Benjamin đã có những trải nghiệm bất đắc dĩ nhưng thấm thía về sự khác biệt văn hoá giữa nơi anh đã sinh trưởng và nơi anh lựa chọn sống. Anh nhận thấy người Khmer phân biệt giữa phụ nữ “trắng” và “đen” một cách đơn giản. Phụ nữ “trắng: là người trong trắng đến tận đêm tân hôn. Phụ nữ đen là những ai chưa có chồng mà mất trinh, đồng nghĩa với mất phẩm giá và không còn chỗ đứng trong xã hội. Không thể cưới xin, trừ phi làm vợ hai – không có chồng thì không thể có một gia đình, và không có gia đình thì hết tất cả: không còn thể diện, không có ai lo cho khi về già hoặc đưa đến bác sĩ khi lâm bệnh.
Để cứu Sreykeo và chung sống hạnh phúc với cô, Benjamin học tiếng Khmer, mua đất ở quê Sreykeo làm nhà cho gia đình họ, quan tâm đến những gì gia đình Sreykeo cho là quan trọng.
Để có tiền, Benjamin đã kể câu chuyện của mình dài kỳ lên báo, giao lưu trực tuyến với độc giả … Hai người từng bị coi là “thằng khùng và con đĩ”, nhưng sau những bài báo, họ được tôn lên thành hiệp sĩ của tình yêu. Sau này, một nhà xuất bản đã đề nghị Benjamin viết sách về đời mình.
Đám cưới
Bố mẹ Benjamin bình tĩnh tiếp nhận mọi việc. Họ cũng đồng ý để Benjamin cưới Sreykeo. Một đám cưới theo nghi thức của người Khmer đã được tổ chức. Từ Đức bay sang có cha mẹ và anh trai Benjamin cùng với một người bạn thân. Với Benjamin, đột nhiên, những gì từ quá khứ trở nên phi thực, như một cuộc khiêu vũ cuồng loạn, quá cuồng loạn để tin là thật. Không còn chia ly nữa, không bao giờ có giây phút phải buông tay nhau ra nữa.
Không bao giờ có ánh mắt sầu muộn qua cửa sổ máy bay nữa. Không bao giờ nghe lời dặn “Gọi điện cho em khi đến nơi” nữa. Không nghe tiếng lạo xạo trong điện thoại nữa. Không tranh luận tiền nong và những mối ngờ vực sau đó nữa. Không còn sự bấp bênh luôn đi kèm tình trạng xa cách nữa.
Sau đám cưới, Sreykeo tự tin hơn. Và lúc này, trong mắt Benjamin, “Tình yêu không phải là một vòng tay êm ấm vĩnh viễn, mà trái lại, tình yêu là cuộc đấu tay đôi thì đúng hơn, và không ai được thắng – nếu có người thua thì quan hệ đó sẽ nhanh chóng chấm dứt. Cãi cọ, mâu thuẫn và xung đột là thử thách đối với hai người, là áp lực bắt họ thay đổi, phát triển và cùng nhau thành những người tốt hơn.”
Một đêm, Sreykeo đã kể hết về quá khứ của cô: chuyện gia đình, chuyện quán bar, những lần nói dối. Cô đã kể thâu đêm và hai người thiếp đi khi mặt trời đã lên. Đối với Benjamin, biết mọi chi tiết không quan trọng, mà quan trọng là Sreykeo đã kể hết cho anh.
Rất lâu sau này, Sreykeo kể lại: Một ngày trước khi hai người gặp nhau, Sreykeo đã phóng sinh hai con rùa ở đầm nước Cung Vua. Một con đực và một con cái – theo nghi lễ Phật giáo. Cô viết tên mình lên mai con rùa cái, con đực không viết gì. Cô cầu gặp được người sẽ là chồng cô hôm ấy. Còn nếu không gặp được thì cô chỉ đi làm để kiếm tiền. Sau đó, cô nhuộm mái tóc sáng màu của mình đen trở lại, sơn móng tay và đến quán bar Heart of Darkness.
Chi tiết này làm cho mọi sự kiện có vẻ như tuân theo một ý nghĩa cao hơn. Có những tiên đoán tự đáp ứng: vì tối hôm đó hy vọng gặp chồng nên cô không đối xử với Benjamin như một khách hàng, và do đó Ben không đối xử với cô như một gái mại dâm. Vì thế mà họ mê nhau.
Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố hé lộ nhiều lạc quan cho những người nhiễm HIV. Không quá mù quáng để hy vọng những bệnh nhân HIV gần như sẽ đạt tuổi thọ bình thường và sống cuộc sống gần như bình thường.
Đối với nhiều người mối tình này giống như một “mối tình bi thương và tuyệt vọng”. Thế nhưng nhân vật của chúng ta không chịu sống cuộc đời dán nhãn hiệu bi thương và chưa một lần chịu ca thán về nỗi bất hạnh của mình. Đó là cách họ vượt qua mọi biên giới và chia sẻ sức mạnh để sống một đời hạnh phúc bên nhau.
Nguồn nguyentrinhphuonganh
0 nhận xét