Tên miền (domain): tên miền chính là địa chỉ website. Website bắt buộc phải có tên miền. Tên miền có nhiều dạng như www. abc.com, www.abc.net hay www.abc.com.vn... Có những website không mua tên miền riêng mà dùng tên miền con (sub-domain) dạng www.abc.com/xyz hay www.xzy.abc.com (xzy là tên miền con của tên miền abc.com). Dạng tên miền con như vậy không phải tốn tiền mua mà trên nguyên tắc là website “mẹ” (tức www.abc. com) có thể “mở” hàng trăm, hàng nghìn tên miền con như thế. Chi phí trả cho một tên miền dạng www.abc.com khi mua trên mạng là khoảng 10 đô-la Mỹ/năm.
Dịch vụ lưu trữ (hosting, hay host): muốn những trang web được hiện lên khi người ta truy cập vào website thì dữ liệu phải được lưu trữ trên một máy tính (máy chủ - server) luôn hoạt động và kết nối với mạng Internet, máy tính này chính là host server. Một host server có thể lưu trữ rất nhiều website cùng một lúc. Nếu máy tính này có sự cố bị tắt trong một thời điểm nào đó thì lúc đó không ai truy cập được những website lưu trữ trên máy tính đó. Tùy theo nhu cầu mà doanh nghiệp có thể chọn mua host với dung lượng 10MB (tức chứa được tối đa 10MB dữ liệu), 20MB, 50MB, 100MB hay nhiều hơn. Giá hosting hiện nay cũng rất thấp, chỉ từ vài chục nghìn đến một hai trăm nghìn đồng mỗi tháng, tùy theo cấu hình host và ngôn ngữ lập trình và cơ sở dữ liệu mà host hỗ trợ.
Dung lượng host và dung lượng truyền (transfer): dung lượng host là số MB dành để chứa dữ liệu. Ví dụ host 100MB cho doanh nghiệp 100MB để chứa file, cơ sở dữ liệu, email... Dung lượng truyền của host là tổng số MB dữ liệu, file... truyền ra truyền vào (download, upload) máy chủ nơi host website trong mỗi tháng.
Khi doanh nghiệp mua host cho website, cần ước tính dung lượng truyền theo công thức sau: Dung lượng truyền trong tháng (transfer/month) (GB) = số lượt truy cập website trong tháng x số trang bình quân mỗi lượt người xem x số KB mỗi trang web / 1.000.000 (đổi từ KB sang GB). Ví dụ: ước tính website của doanh nghiệp sẽ có khả năng đón 10.000 lượt người xem trong tháng, mỗi lượt người sẽ xem bình quân 10 trang, mỗi trang web nặng bình quân 100KB, vậy doanh nghiệp cần dung lượng truyền là (10.000 x 10 x 100)/1.000.000 = 10GB/tháng.
Hacker/Hacking: hacker là những người thích nghiên cứu về bảo mật trên Internet và “thực tập” bằng cách đi “đánh phá” những website nào sơ hở về bảo mật. Nói chung, không một website nào trên thế giới dám tuyên bố bảo mật tuyệt đối. Hacker có thể cướp tên miền của website, có thể thay đổi nội dung của website, có thể tấn công ồ ạt (các lệnh yêu cầu server hoạt động) làm cho website bị “tê liệt” trong một khoảng thời gian. Những việc này doanh nghiệp nên hỏi nhà cung cấp dịch vụ host của mình xem họ có chính sách phục hồi sau khi bị hack như thế nào.
Những yếu tố tạo nên tính hiệu quả cho website:
Nhiều doanh nghiệp có website than phiền rằng website của họ không mang lại hiệu quả cho việc kinh doanh. Đây là một thực trạng chung cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân cũng rất đơn giản và hiển nhiên như sau: Website xây xong thì “bị bỏ quên”, không chú trọng marketing cho website:
Nếu doanh nghiệp sản xuất ra một sản phẩm mới mà không có một hoạt động marketing nào để quảng bá sản phẩm đó thì liệu thị trường có biết đến sản phẩm đó không? Vì thế, sau khi có website, doanh nghiệp phải chú trọng marketing cho website của mình, cả marketing trên mạng và marketing truyền thống (như in địa chỉ website lên danh thiếp, bao gồm địa chỉ website trong các mẩu quảng cáo, bao bì, tài liệu giao dịch của doanh nghiệp).
Nội dung nghèo nàn, không cập nhật, thiết kế không chuyên nghiệp, chức năng không tiện lợi: Nếu làm tốt marketing, có nhiều người truy cập nhưng phần nội dung, hình thức, chức năng website lại nghèo nàn, không chuyên nghiệp thì sẽ khó có khả năng người ta quay lại xem lần thứ hai. Hơn nữa, nguy cơ bị đối tượng khách hàng đánh giá thấp mức độ chuyên nghiệp của doanh nghiệp nếu website của doanh nghiệp không được chăm sóc kỹ làm cho doanh nghiệp bị mất nhiều cơ hội bán hàng.
Để website mang lại hiệu quả, có 03 yếu tố phải thỏa mãn: chất lượng website, marketing website, và chất lượng dịch vụ hỗ trợ người xem.
Chất lượng website: là yếu tố chính để giữ chân và tạo ấn tượng tốt cho người xem một khi họ đã vào xem website của doanh nghiệp. Chất lượng website được đánh giá thông qua các yếu tố sau: Trình bày thiết kế, bố cục: trình bày trang nhã, ấn tượng, bố cục rõ ràng, đơn giản, không bề bộn, không có quá nhiều thông tin trên một trang...
Thông tin: thông tin phải chính xác, đầy đủ, súc tích, được cập nhật thường xuyên. Quan trọng hơn là thông tin phải hữu dụng cho người xem.
Tốc độ hiển thị: tốc độ hiển thị trang web phải nhanh, nếu không người xem sẽ chán và bỏ qua, đặc biệt là ở Việt Nam tốc độ truy cập Internet bằng điện thoại rất chậm.
Các chức năng tiện ích phục vụ người xem: website phải có các chức năng tiện ích phục vụ người xem như form liên hệ, chức năng tìm kiếm, chức năng chọn hàng, đặt hàng v.v... để tránh làm mất thời gian, gây phiền phức cho người xem.
Marketing website: đây là khâu quan trọng nhất để thu hút người vào xem website (chủ yếu là lần đầu). Nếu không marketing, không ai biết đến địa chỉ website này, từ đó, hàng năm chỉ có một số rất ít người vào xem, làm cho website trở nên vô dụng. Doanh nghiệp sau khi xây dựng xong website và đưa vào hoạt động, cần phải đầu tư cho marketing website. Marketing website hiệu quả là một việc không dễ, và đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, đầu tư... nhưng rất cần thiết đối với sự thành công của website.
Hiện trên Internet có hơn 40 triệu website với hơn 8 tỷ trang web, nếu không nỗ lực mar- keting, website của doanh nghiệp sẽ chìm sâu trong “đại dương” Internet và những đầu tư cho website sẽ là “công dã tràng”.
Hỗ trợ khách hàng: nếu DN đã làm tốt khâu marketing và từ đó có nhiều người biết đến và ghé qua thăm viếng website. Nếu DN đã làm tốt khâu chất lượng website để cho những ai đã ghé qua thăm viếng website đều có ấn tượng tốt, có thể tìm thấy trên website này những thông tin bổ ích cho họ, những điều họ đang đi tìm... Nhưng như thế chưa đủ để mang lại thành công cho website của doanh nghiệp. Điều còn thiếu là: chất lượng dịch vụ hỗ trợ người xem (khách hàng), tức tốc độ phục vụ trả lời email, xử lý đơn hàng, cung cấp thông tin theo yêu cầu của từng người... Nếu một người quan tâm gửi câu hỏi từ trang liên hệ của website mà phải chờ vài ngày không thấy câu trả lời, hoặc nhận được câu trả lời không rõ ràng, không đầy đủ, với văn phong cẩu thả... thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị mất nhiều khách hàng tiềm năng.
Để khai thác hiệu quả của website tốt, doanh nghiệp nên chú ý các đặc tính bên dưới của website và đảm bảo rằng website của mình phải thỏa những yêu cầu đó. Được khách hàng biết đến (Customer Awareness)
Để website hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế, trước hết doanh nghiệp cần làm cho thật nhiều người biết đến website của mình. Đây chính là việc marketing website. Nếu không marketing, web- site của doanh nghiệp sẽ hầu như vô dụng.
Tính hấp dẫn người xem (Stickiness)
Nếu người xem chỉ xem một lần rồi không bao giờ vào xem nữa thì website của DN cũng thực sự không mang lại lợi ích nhiều. Do đó, trên website của doanh nghiệp cần phải có những thông tin đầy đủ, bổ ích, cập nhật... đáp ứng đúng nhu cầu người xem.
Vì là website của DN nên đa số chỉ có mục đích trưng bày thông tin, hình ảnh sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu DN chứ không có nhiều thông tin mang tính thời sự hay bổ ích thú vị đối với người xem. Song, đối tượng người xem cũng chỉ là những ai đã có chủ ý tìm thông tin hay có nhu cầu về mặt hàng hay dịch vụ mà DN đang bán, do đó, DN chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin về những gì mình bán, nếu được thì nên cung cấp vài thông tin bổ sung để thu hút người xem và tạo ấn tượng tốt cho họ. Ví dụ: website của DN sản xuất trà thì nên có phần giới thiệu về các loại trà, công dụng, hữu ích như thế nào cho người sử dụng, cách thức pha trà ngon v.v...
Quan trọng nhất là DN cần có thông tin thuyết phục được người xem rằng “Tại sao quý vị nên mua sản phẩm hay dịch vụ của chúng tôi mà không mua của ai khác?”
Quyết định mua (Decision to buy)
Khi người xem đã quan tâm, đã cảm thấy muốn mua sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp thì điều quan trọng là trên website của doanh nghiệp phải có những thông tin “bắt mắt”, “hấp dẫn” để làm cho người xem cảm thấy nên quyết định mua ngay, không do dự nữa. Nếu không, người xem thoát ra khỏi website, hoặc đi tìm thông tin ở website khác thì doanh nghiệp sẽ bị mất khách hàng tiềm năng này.
Tính tiện lợi (Convenience)
Khi người xem đã quyết định mua, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, chức năng tiện ích sao cho khách hàng có thể dễ dàng mua nhất. Ví dụ: cung cấp email, số điện thoại bàn, số điện thoại
di động, địa chỉ công ty, địa chỉ mua, chức năng mua qua mạng với thao tác gọn nhất, nhanh nhất, hướng dẫn cụ thể từng bước cho khách hàng mua qua mạng... Thật đáng tiếc nếu người xem đã quyết định mua nhưng lại “bất lực” vì không biết phải làm sao để mua!
Nguồn tatthanh.com
0 nhận xét