Ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần trong đời bị mất người mình yêu quý, món đồ mà mình vô cùng nâng niu, hay đơn giản là những giấy tờ vô cùng quan trọng. Những lúc ấy, ta như rơi xuống vực thẳm, cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi tất cả…
Tôi vốn hay quên và có tính lơ đãng. Chính vì điều đó mà tôi đã đánh mất không biết bao nhiêu món đồ. Từ món bình thường nhất đến món đặc biệt nhất…
Năm tôi vào lớp 2, gia đình rất nghèo. Ba mẹ không có điều kiện mua cho tôi quá nhiều đồ chơi, nên chỉ chiều chuộng con trong khả năng hạn chế. Tôi thiệt thòi so với đám bạn cùng trang lứa rất nhiều, nhưng luôn ngoan. Có lần, khi phải đi khám bệnh theo thường lệ (khi còn bé tôi bị bệnh suốt), thấy một xe bóng bay, tôi xin mẹ mua 1 cái. Ngồi trong phòng đợi tới lượt bác sĩ khám, tôi suy nghĩ: “Mình thử thả ra xem nó có đụng trần nhà như những lần trước không” và tay bắt đầu buông. Nhưng không may cho tôi, cửa phòng khám mở toang và một cơn gió lùa vào. Chiếc bóng bay leo tít tận trời xanh, nhanh đến nỗi tôi không kịp phản ứng gì. Mẹ quay sang, hỏi: “Bóng của con đâu rồi”, tôi òa khóc và đưa tay chỉ lên nền trời. Lúc ấy cái bong bóng chỉ còn là một chấm nhạt màu…
Tôi hối hận vì mình đã đánh mất nó, hối hận vì trong vài phút bất cẩn đã phí món tiền mẹ bỏ ra, dù với người lớn, điều đó không đáng là bao. Trong tâm trí đứa bé 7 tuổi như tôi, việc làm quả bóng bay mất khi mua được vài phút khiến tôi ân hận mãi, khi thấy mẹ luôn chắt chiu từng tờ tiền lẻ để mua thuốc cho mình…
Chính vì vậy, những năm tháng sau đó, tôi có thói quen tiết kiệm khi được ai đó cho tiền. Tôi để dành và tự mua những món mình thích, một quyển sổ tay hay một cục gôm nhiều màu chẳng hạn…
o0o
Lớp 10, tôi quên thông báo giờ giấc họp phụ huynh cho ba vì nhớ nhầm ngày. Tới tận trưa, khi tôi hoảng hốt nhìn lại giờ họp trong sổ, thì lớp đã kết thúc cuộc họp cách đây vài tiếng đồng hồ. Sự bất cẩn này đã khiến ba tôi phải nghỉ làm một buổi để họp riêng với giáo viên chủ nhiệm, và bảng điểm của tôi lúc ấy thật sự “không ổn tí nào”, nếu không nói là hơi tệ. Từ việc luôn đứng đầu lớp, tôi rơi khỏi top 10.
Tôi đã lấy mất 1 ngày làm việc thường lệ của ba, và đánh mất đi niềm vui của ba mẹ. Ba đã phải gác công việc qua một bên vì tôi, để rồi ba còn mệt mỏi hơn cả đi làm, khi nhìn thấy bảng điểm mà tôi có. Không ai trách tôi cả, nhưng trong tôi vẫn trỗi dậy một nỗi buồn không thốt nên lời…
Từ đó trở đi, tôi lấy lại phong độ học hành. Tôi đạt học sinh giỏi, thứ hạng cao lên dần dần. Năm cuối cấp, tôi không quá nổi bật nhưng lại thi tốt nghiệp điểm cao và đậu 3 trường. Bởi vì mỗi lần chểnh mảng trong học tập đôi chút, tôi lại nhớ về những khi ba vất vả làm việc để nuôi tôi ăn học, chấp nhận bị trừ lương 1 ngày để đi họp cho tôi, để rồi tôi lại khiến ba hụt hẫng.
o0o
Khi đã trưởng thành, trong vài phút sơ ý, tôi đã đánh mất một món đồ có giá trị. Đó là chiếc điện thoại khá đắt so với sinh viên, mà tôi để dành thật lâu mới mua được. Dẫu đó là tiền của mình, tôi vẫn khóc òa bởi vì 6000 tin nhắn, những dòng ghi chú, ý tưởng viết bài, dự định tương lai, rất nhiều hình ảnh, nhạc, và toàn bộ danh bạ điện thoại…bỗng chốc tan biến như chưa hề tồn tại. Tôi đã chán chường thật sự và cứ ngỡ như mình mất đi một nửa cuộc sống, sau khi chiếc điện thoại dùng gần 2 năm không còn trên tay tôi…
Tôi gặp khó khăn vô cùng khi tìm lại liên lạc của bạn bè cũ. Cuộc sống của tôi bỗng chốc hơi xáo trộn vì cái điện thoại tôi luôn mang theo bên mình. Nhanh chóng làm lại sim, mua điện thoại mới, nhưng những kỉ niệm của tôi với chiếc điện thoại bị mất, không cách nào có thể lãng quên.
Nhờ bị mất điện thoại, tôi luôn bắt mình phải suy nghĩ thật nhiều để có những ý tưởng khác. Mất liên lạc với nhiều người cũng là cách để tôi “sàng lọc” lại các mối quan hệ của mình. Tôi chăm chỉ, có động lực trở lại, và cố gắng gấp đôi bình thường để có thể mua lại một chiếc điện thoại mới tốt hơn chiếc trước kia…
o0o
Sau những lần “đánh mất”, tôi lại thấy mình “được” nhiều hơn…
Nhờ lỡ tay làm mất bóng bay mà tôi biết trân trọng hơn tình yêu thương của ba mẹ dành cho mình, biết tiết kiệm, biết vâng lời và ngoan ngoãn. Nhờ nhầm lẫn giờ họp phụ huynh mà tôi biết phấn đấu hơn, học giỏi hơn để không phụ ơn ba mẹ. Nếu không bị mất điện thoại, chắc gì tôi đã cố gắng, chắc gì tôi đã học được những kinh nghiệm quý báu chưa hề được dạy ở bất kì trường lớp chính quy nào?
Đánh mất, cứ tưởng như ta chẳng còn gì, nhưng thực sự ta lại có thêm được rất nhiều. Đánh mất, ta tưởng mình nghèo đi, rồi không ngờ lại “giàu” hơn. Đánh mất, cứ tưởng như cuộc sống không công bằng, nhưng rồi may mắn lại đến, cơ hội lại đến chính vì những lúc đánh mất ấy. Bị mất một thứ thuộc quyền sở hữu của mình, cứ nghĩ cánh cửa đã khép lại, nhưng rồi hi vọng lại lóe lên…
Có thể bạn sẽ đôi lần bị mất điều gì đó, có thể là vật chất, có thể là tinh thần. Khoan vội buồn bã, khoan vội nhụt chí và òa khóc vì than trách bản thân. Hãy xem đó như là động lực, là mục tiêu để vươn tới, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nếu bạn không “đánh mất”, chắc gì bạn có được thành công ngày hôm nay?
Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sẽ có đôi lúc ta vô cùng chán nản vì lỡ đánh rơi một điều gì đó vô cùng quý báu. Nhưng ta vẫn có thể tìm lại được, nếu ta tin vào chính mình và biết hành động để biến niềm tin thành sức mạnh, thành mục đích.
Hãy chấp nhận với sự mất mát, để rồi sau đó trưởng thành.
0 nhận xét